Thực phẩm tốt, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và cách sống khoa học, lành mạnh thì sẽ góp phần tăng sức đề kháng cho người cao tuổi giúp chống lại các tác nhân gây bệnh, nhất là trong mùa dịch covid-19.
Do hệ miễn dịch suy yếu, đa số mắc các bệnh mãn tính kèm theo, người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công và “gục ngã” khi virus, dịch bệnh tấn công.
Vậy các bạn hãy cùng Thế Giới Ẩm Thực cùng tìm hiểu những thực phẩm tốt cho người cao tuổi phòng chống dịch qua bài viết sau nhé!
» Xem thêm: Món ăn đồ uống nên dùng để phòng dịch COVID-19
Nội dung chính
1. Đạm dễ tiêu (đậu phụ, trứng, các loại hạt…):
Đối với bất cứ ai, đạm (protein) luôn nằm trong nhóm chất cần thiết của một khẩu phần ăn.
Để tăng đề kháng cho người lớn tuổi, khi lựa chọn nguồn đạm, bên cạnh yếu tố tăng cường hệ miễn dịch, bạn cần ưu tiên các thực phẩm mềm, dễ tiêu như thịt nạc (gà, cá), trứng, đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, đậu phụ, các loại hạt…
Các loại thịt nạc, trứng, đậu bạn có thể nấu cháo, chế biến thành súp, với các loại hạt bạn có thể nấu thành sữa hạt để uống hằng ngày, rất tốt cho sức khỏe nhất là người cao tuổi.
2. Rau xanh:
Chất xơ không chỉ có tác dụng ngăn ngừa táo bón mà còn giúp cơ thể khỏe mạnh, chưa kể trong rau xanh còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nên ưu tiên các loại rau có màu xanh đậm như bông cải, bina, mồng tơi…
Lưu ý, với người lớn tuổi nên chế biến ở dạng mềm, lỏng, hạn chế ăn sống.
3. Hạnh nhân:
Một trong những nguyên tắc khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người lớn tuổi đó là cần hạn chế tối đa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như mỡ động vật, bơ, các chế phẩm từ sữa…
Thay vào đó cần ưu tiên các loại chất béo lành mạnh từ cá béo, dầu thực vật (dầu oliu), các loại hạt, đặc biệt là hạt hạnh nhân.
Chẳng những thế, hạnh nhân còn rất giàu vitamin E, không chỉ tốt cho da, mắt mà còn giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả.
Cách chế biến hạnh nhân tốt nhất cho người cao tuổi là sử dụng thành sữa hạt vừa ngon lại tốt cho hệ tiêu hóa.
4. Thực phẩm cung cấp vitamin B12:
Do người già rất khó hấp thụ vitamin B12 thông qua thực phẩm nên họ sẽ thường bị thiếu hụt loại vitamin này nếu không được cung cấp nghiêm túc.
Cách tốt nhất là bạn nên chế biến nhiều món ăn có thực phẩm giàu B12 như cá, thịt gia cầm, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa… để đáp ứng lượng vitamin bị thiếu trong cơ thể cho người lớn tuổi.
5. Nước:
Nước không phải là một loại vitamin hay khoáng chất, nhưng nó rất quan trọng cho sức khỏe.
Tuổi càng cao, cảm giác khát có thể suy giảm, khiến người gia có thể tăng nguy cơ bị mất nước.
Người già thì thường ít khi có cảm giác khát nước, nhưng nhất thiết vẫn phải uống đủ, ngay cả khi không khát để tăng cường trao đổi chất và giúp cho hệ tiêu hóa thực hiện chức năng dễ dàng hơn.
Uống nước ấm, từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, người cao tuổi cần lưu ý trong giai đoạn này phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, thực phẩm nhiều màu sắc.
Cố gắng ăn không dưới 15 loại thực phẩm mỗi ngày, kể cả gia vị và không ăn kiêng.
6. Thực phẩm cung cấp vitamin D:
Vitamin D tăng cường khả năng chống vi sinh gây bệnh của tế bào miễn dịch, tăng cường phản ứng miễn dịch.
Nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D đầy đủ giúp giảm nguy cơ viêm phổi và tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu.
Vitamin D cũng giúp cải thiện khả năng chống virus của những bệnh nhân viêm gan C hay HIV đang được điều trị với trị liệu chuẩn.
Ngược lại, thiếu vitamin D tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp trên, bao gồm cảm cúm và hen suyễn dị ứng.
Người khỏe mạnh trưởng thành có thể nạp vitamin D dễ dàng qua việc tiếp xúc ánh sáng mặt trời.
Những người cao tuổi có thể bổ sung vitamin D thông qua các viên multivitamin bổ sung. Các thực phẩm có nhiều vitamin D như nấm, cá và trứng.
7. Lưu ý:
Để tăng cường sức đề kháng, đầu tiên, người cao tuổi nên đặc biệt lưu ý ăn các loại thực phẩm giàu đạm vì hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm mà cơ thể không thể tự tổng hợp được.
Lưu ý cân bằng cả đạm động vật ít béo (ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa…) và đạm thực vật (các loại ngũ cốc, đậu đỗ, khoai củ…).
Vitamin, khoáng chất cũng là yếu tố không thể bỏ qua giúp cơ thể người cao tuổi phòng tránh dịch bệnh. Và nguồn tốt nhất chính là từ rau xanh và hoa quả tươi giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu.
Đừng quên thêm những loại rau gia vị như: hành, tỏi, gừng, sả, chanh và các loại rau thơm nhiều tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô…) vừa kích thích vị giác giúp người cao tuổi ngon miệng, lại vừa có tính kháng khuẩn cao cho cơ thể.
Để chế độ dinh dưỡng phát huy hiệu quả trong việc xây dựng hệ miễn dịch, người cao tuổi nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và an toàn thực phẩm; hạn chế các đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt, rượu bia, đồ ăn nhanh, ăn ngoài hàng quán. Và nhớ rửa tay trước khi ăn.