Sản vật quý hiếm của nhiều dân tộc ở Hà Giang như mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, nấm ngọc cẩu… đều để lại cho du khách những sự lựa chọn phong phú khi đến cao nguyên đá.
Vậy các bạn hãy cùng Thế Giới Ẩm Thực tìm hiểu những sản vật quý hiếm ấy nơi cao nguyên đá Hà Giang qua bài viết sau nhé!
» Xem thêm: Món cháo ấu tẩu độc đáo của vùng cao Hà Giang
Nội dung chính
Những sản vật quý hiếm ở cao nguyên đá Hà Giang:
Mật ong bạc hà:
Dường như thiên nhiên phú cho Hà Giang địa hình cao, khí hậu ôn hòa nên nơi đây có rất nhiều loài cây thuốc quý. Một thứ quà tặng mà bất cứ ai lên đây cũng muốn tìm mua bằng được đó là mật ong bạc hà.
Bạc hà là loài cây dại, hoa có màu tím hồng, nở vào độ từ tháng 9 tới tháng 12 âm lịch.
Mật ong bạc hà lôi cuốn và làm say đắm lòng du khách không chỉ bởi vị ngọt đậm đà, êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và mùi hương đặc biệt, mà hơn hết đó chính là thứ tinh tuý từ núi đá, cùng những hạt sương mai và vô vàn những khó nhọc của người Mông trên vùng cao nguyên đá Hà Giang.
Mật ong bạc hà được sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại nên có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng nhạt, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc.
Cháo ấu tẩu:
Một món ăn khi tới Hà Giang mà bạn không nên bỏ qua là cháo ấu tẩu, món ăn được xem là đặc sản Hà Giang nổi tiếng.
Cháo ấu tẩu cũng được nấu từ gạo ngon rồi cho thành phần chính là ấu tẩu, các gia vị đặc trưng nên hương vị của chúng thơm ngậy, bùi cay và còn có vị đắng.
Thế nhưng càng ăn, vị đắng ấy càng hấp dẫn lại khiến ai nấy đều muốn ăn mãi không thôi.
Cách chế biến cháo ấu tẩu:
Cháo ấu tẩu được nấu từ gạo nếp nương, chân giò lợn và củ ấu tẩu.
Củ ấu tẩu mang về rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo một đêm sau đó đem ninh chừng 4 tiếng cho mềm và bở tơi.
Sau đó phần ấu tẩu này được trộn cùng gạo và nấu trong nước ninh từ chân giò lợn.
Tại một số nơi, ấu tẩu và chân giò lợn được nấu riêng. Khi có khách, chủ quán mới trộn phần cháo trắng và phần chân giò cùng ấu tẩu này lại với nhau.
Thắng dền:
Thắng dền là món ăn vặt (hay ăn chơi) của người Hà Giang được làm từ bột gạo nếp.
Tuỳ vào sở thích cũng như khẩu vị của từng người mà người làm bánh sẽ cho thêm nhân bánh bằng đỗ hoặc để chay.
Cách chế biến món thắng dền:
Hình dáng thắng dền trông giống như những chiếc bánh trôi tàu ở Hà Nội, nếu không hỏi người dân ở đây thì chắc chắn sẽ có du khách nhầm tưởng đó là bánh trôi.
Những viên bánh thắng dền chỉ làm to hơn ngón tay cái một chút, được thả trong bát có hỗn hợp nước đường ngọt ngậy với nước cốt dừa và gừng tạo nên một hương vị hỗn hợp ngọt, béo và cay cay khiến người ăn cứ lưu luyến mãi.
Hà thủ ô:
Chắc chắn những cô gái muốn mình có mái tóc đẹp, xanh mượt đều tìm đến hà thủ ô như một phương thuốc quý.
Dùng cây hà thủ ô nấu nước uống, chỉ sau một thời gian sẽ thấy tác dụng rõ ràng. Đây là một trong những sản vật quý hiếm ở núi rừng Hà Giang.
Nấm ngọc cẩu:
Đến Hà Giang từ tháng 11 trở đi, thể nào du khách cũng bắt gặp cảnh tượng người dân bày bán loại nấm ngọc cẩu khắp các lề đường.
Ngọc cẩu là một trong những vị thuốc khá quý hiếm với tác dụng bồi bổ sức khỏe cho phái mạnh và nâng cao sức khỏe, trị nám da cho phụ nữ.
Chính vì nhiều tác dụng như vậy mà du khách lên Hà Giang đều mua về làm quà.
Chè Shan tuyết:
Nếu một lần được thưởng thức chè Shan tuyết, chắc chắn du khách không thể nào quên được hương vị thơm ngon của loại chè được xếp vào hạng đầu bảng trong các loại chè ở Việt Nam.
Đây là loại chè chỉ thích hợp với địa hình vùng núi cao có khí hậu lạnh và mát mẻ quanh năm.
Cây chè Shan tuyết:
Những cây chè Shan tuyết to lớn, thân nhuộm màu trắng mốc, búp chè to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung và có màu trắng như tuyết.
Loại chè này đặc biệt khi sao xong, lá và búp vẫn có những đốm trắng. Người sao chè cũng phải rất cầu kỳ để sao cho lửa vừa phải để không làm rơi những tuyết trắng còn bám ở búp chè.
Khi uống, du khách vẫn còn cảm thấy vị hơi chát nhưng sau có vị ngọt, đằm và hương thơm độc đáo, thanh cao.