Rượu búng báng uống vào mát rượi và lâng lâng say như uống rượu cần. Thứ cây làm ra rượu này chỉ thấy ở rừng Quảng Trị, ấy là cây búng báng.
» Xem thêm: Món bánh đúc rau câu độc đáo chỉ có ở Quảng Trị
Nội dung chính
Cây búng báng Quảng Trị:
Cây búng báng hao hao giống cây móc ngoài Bắc, cây đùng đình trong Nam, lại vừa giống cây dừa, nhất là giống cây dừa nước Nam Bộ nhưng thân cao hơn và lá thưa hơn một chút.
Trong thân cây búng báng có chứa tinh bột, nhiều nhất là ở trên cái đọt của nó. Chỉ cần chặt lá, gọt hết lớp vỏ cây ram ráp mông mốc là cái đọt búng báng trở thành một cục bột trắng ngần có thể nấu cháo, nấu chè; không tiện đun nấu thì ăn sống, mát như ăn củ đậu. Gặp cây búng báng là chắc được ấm bụng rồi.
Cách chế biến rượu búng báng:
Dùng dao khoét vào thân cây búng báng thành một cái bọng tròn như quả bầu treo xuôi, bóp nhỏ men rắc vào, rồi dùng ngay miếng vỏ cây búng báng làm nắp đậy kín lại.
Thế là có một hũ rượu đã được ủ. Chờ 4-5 ngày sau trở lại cậy miếng nắp đậy ra, để thấy trong bọng cây chứa một thứ nước đùng đục như sữa loãng. Ðó chính là rượu búng báng.
Biết mô tả thế nào cho đúng với loại rượu độc nhất vô nhị này? Xin tạm ví nó như nước dừa tươi, dấm bỗng, đu đủ chín, cam thảo, rượu gạo và một vị thuốc bắc nào đó trộn lẫn với nhau.