Rêu đá Lai Châu là món ăn truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc, một thức ăn mà đến Lai Châu không thể không thử bạn sẽ nhớ mãi hương vị của món ăn này.
Nào các bạn hãy cùng Thế Giới Ẩm Thực tìm hiểu về món rêu đá Lai Châu – món đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc Thái qua bài viết sau nhé!
» Xem thêm: Rêu đá Phú Thọ món đặc sản của người Mường
Nội dung chính
Món rêu đá Lai Châu:
Khi xưa, nó thường được chế biến và bày trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái. Để có được rêu ngon, người đi lấy rêu vừa phải kiên nhẫn và có kĩ thuật thì mới sơ chế được rêu thật sạch.
Màu xanh của rêu, vị thơm dậy mùi của tỏi cùng với những hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc đã tạo ra món ngon khó quên trong lòng mỗi thực khách đến với Lai Châu.
Rêu đá:
Rêu được coi là loại rau sạch đặc biệt của người dân Lai Châu. Rêu thường được lấy ở các con suối lớn hoặc chân thác nơi có nguồn nước chảy xiết, có những tảng đá to để loài cây này có thể bám vào để phát triển.
Rêu có khi mọc dài bằng cả sải tay người lớn và rêu có màu xanh lục hay xanh non còn tùy vào vùng nước sâu hay nông. Không phải mùa nào ta cũng có thể hái rêu đá. Rêu đá chỉ mọc vào khi chớm thu cho đến tháng ba âm lịch thì hết mùa rêu.
Món ăn ngon từ rêu đá Lai Châu:
Rêu đá được chế biến thành nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc và nó trở nên đặc biệt hơn trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái.
Sơ chế rêu đá:
Để có được những món rêu ngon đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, trước tiên cần vớt rêu cho vào rổ, giặt qua nước sạch nhằm loại bỏ cát và các chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, hoặc thớt rồi dùng một khúc gỗ to để đập, cứ làm như thế vài lần thì rêu mới sạch được như ý.
Rêu đá khi đã qua sơ chế sẽ có màu xanh đậm, sờ vào mềm và mát. Qua những bước sơ chế cơ bản, rêu được chế biến thành nhiều món khác nhau như canh rêu đá, rêu nướng và rêu xào lá tỏi.
Rêu đá nộm:
Rêu nộm thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng bột canh, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, mắc khén, nếu thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ.
Rêu đá nướng:
Để làm món rêu nướng, sau khi sơ chế và vắt hết nước, đem tẩm với các gia vị như sả, gừng, bột ớt, hạt dổi, quả muối, hạt sen…rồi được gói vào lá dong và vùi trong tro nóng, bên trên phủ một lớp than hồng.
Khi vùi than cần phủ đều để giữ sao cho rêu chín đều mà không bị cháy. Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta mới lấy ra rồi bóc từng lớp lá.
Mùi thơm của gia vị cùng mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng, trông giống như tảo biển, mềm, ngậy ăn với cơm nóng thì ngon tuyệt. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu đá vùi than thường xuyên giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và nhiều chứng bệnh mãn tính khác.
Chỉ từ những nguyên liệu bình dị, quen thuộc kết hợp với các gia vị sẵn có đã tạo nên món ăn vừa mới lạ, vừa bổ dưỡng mang đậm bản sắc của đồng bào Thái ở Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng. Vì vậy có dịp bạn đừng nên bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn độc đáo này của Lai Châu nhé!