Những quán ăn ngon như quán mì, hủ tiếu có thâm niên hơn nửa thế kỷ ở Sài Thành là những địa điểm mà du khách đến Sài Gòn không nên bỏ qua khi đến thăm thành phố này.
Vậy các bạn hãy cùng Thế Giới Ẩm Thực cùng tìm hiểu những quán ăn ngon nổi tiếng của Sài Gòn qua bài viết sau nhé!
» Xem thêm: Món ăn của người Hoa không phải ai cũng biết ở Sài Gòn
Nội dung chính
Những quán ăn ngon suốt nửa thế kỷ giữa lòng Sài Gòn:
Món hủ tiếu mì hơn nửa thế kỷ:
Hơn 60 năm qua, quán hủ tiếu mì thập cẩm, hay còn có tên gọi khác là “hủ tiếu mì cật”, nằm ngay số nhà 64 Trương Định (phường Bến Thành, quận 1) vẫn luôn tấp nập khách ra vào mỗi ngày.
Điều khiến thực khách ấn tượng nhất đối với tô hủ tiếu mì ở đây chính là…miếng cật “khủng”, dai giòn, hương vị đậm đà, quyến rũ.
Thưởng thức món hủ tiếu mì hơn nửa thế kỷ:
Khi khách gọi, chủ quán cho một ít giá, một vắt mì và một vốc sợi hủ tiếu vào cái vá có lỗ to để trụng qua nồi nước sôi, rồi cho hủ tiếu mì vào một cái tô sạch để sẵn rồi nêm chút gia vị như ớt sa tế, tiêu và một loại nước sốt khá sệt, có màu gần giống như chao rồi trộn đều lên,
Tiếp theo cho lên trên tô hủ tiếu mì những miếng cật, thịt nạc bằm, chan thêm vá nước lèo nóng hổi, thơm lừng mùi xương ống hầm kỹ. Cuối cùng, bên trên bát hủ tiếu là hành ngò và lá hẹ cắt khúc.
Thực khách sẽ cảm nhận độ dai của sợi hủ tiếu và mì, cái vị ngọt béo của nước lèo và dai giòn của cật hòa quyện lại, tạo nên một hương vị khó quên.
Theo chủ quán, sợi mì ở đây được làm theo công thức gia truyền, nếu nhìn kỹ sẽ thấy sợi to và tròn hơn, thường có loại hủ tiếu dai và hủ tiếu mềm. Còn hủ tiếu lúc nào cũng tươi, dai mà không bị khô gãy.
Bên cạnh món hủ tiếu mì cật nổi tiếng thì quán còn có hủ tiếu xương. Cũng như hủ tiếu mì cật, mỗi tô hủ tiếu xương đều rất chất lượng với phần xương to và đầy thịt, được ninh mềm vừa ăn, hương vị nêm nếm đậm đà.
Quán mì vịt tiềm truyền 3 đời nổi danh hơn 70 năm:
Quán ăn nằm lọt thỏm trong căn nhà nhỏ, hơi cũ tại số 277 Phan Đình Phùng (phường 1, quận Phú Nhuận). Món mì vịt tiềm ở đây hấp dẫn thực khách suốt hơn 70 năm qua bởi phần thịt vịt mềm, da bên ngoài giòn giòn. Đây cũng là 1 trong số ít các quán ăn người Hoa lâu đời nhất tại Sài Gòn.
Quán đầu tiên mở ra là bán cháo, sau đó bán thêm há cảo, hoành thánh, hủ tiếu… sau cùng là món mì vịt tiềm.
Cách chế biến món mì vịt tiềm của quán:
Chủ quán cho biết, để thịt vịt không bị mềm rục thì thịt sau khi làm sạch sẽ được chủ quán ướp với muối, đường, mật ong…. rồi đem tiềm với nước có các vị thuốc bắc từ 2 – 3 giờ. Sau đó vớt vịt ra cho ráo rồi lại đem chiên lên để lớp da ở ngoài có độ giòn “giúp thực khách khi ăn không bị ngán như cách tiềm thông thường.
Ngoài thịt vịt được chế biến một cách cầu kỳ còn phải nói đến sợi mì ăn cùng, là loại mì vàng đặc trưng của người Hoa.
Khi khách gọi món, chủ quán sẽ trụng 2 vắt mì với nước sôi rồi cho vào tô cùng với vài cọng cải thìa luộc, chan nước tiềm vịt nóng hổi vào, thêm nhúm hành cho dậy mùi của món ăn.
Khách có thể ăn vịt cùng với mì hoặc để vịt riêng ra đĩa rồi ăn cùng với xì dầu, dấm đỏ và đu đủ chua.
Nhiều thực khách đánh giá tuy giá cao hơn các quán khác nhưng món ăn được đánh giá là ngon, vừa vặn.
Quán mì kéo sợi thủ công hơn 70 năm tuổi:
Món ăn này du nhập vào miền Nam đã hơn 100 năm và nhanh chóng trở nên phổ cập, là món ăn bình dân và quen thuộc đặc biệt với những người lao động ở Sài Gòn.
Thành phần của món ăn đơn giản gồm sợi mì tươi, nước dùng và nguyên liệu ăn kèm. Nước dùng được chế biến theo công thức của người Hoa, có vị ngọt và béo của xương hầm, nước trong và không có cặn.
Quán mì nằm tại số 66/5 Lê Đại Hành (phường 7, quận 11), khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Đại Hành.
Thứ đầu tiên thực khách nhìn thấy khi ghé quán là một chiếc xe bằng gỗ cũ kỹ, phía trước có ghi tên quán bằng tiếng Việt lẫn tiếng Trung Quốc.
Điều khiến thực khách thích thú nhất khi ăn mì ở đây chính là cọng mì bí truyền, ăn cho đến gần hết tô vẫn dai mà không bị nở…
Hơn 70 năm trôi qua, các thành viên trong gia đình ông Tư Ky vẫn giữ nguyên thói quen làm sợi mì riêng cho quán mình.
Cách làm sơi mì thủ công của quán:
Nguyên liệu để làm ra sợi mì Thiệu Ký gồm: bột mì, trứng vịt và nước tro tàu. Mì tươi đúng cách phải làm từ bột mì và trứng và không được để lẫn giọt nước nào, nghĩa là chỉ có bột mì và trứng. Sợi mì được trộn nhồi bằng tay chứ không phải bằng máy. Sau đó sẽ đem đi ủ một thời gian cho dậy bột rồi mới mang bột đi cán và cắt sợi.
Mỗi tô mì Thiệu Ký sẽ gồm hai vắt mì, sau khi được trụng qua nước lèo nóng hổi, chủ quán sẽ cho vào các thành phần ăn kèm như thịt xá xíu, thịt gà xé, cá viên, sủi cảo, hoành thánh… Thêm chút lá hẹ, hành phi vàng ươm, tóp mỡ chiên giòn rụm. Cuối cùng là những vá nước lèo trong veo, thơm lừng mùi xương ống hầm.
Mì vịt tiềm chú Tắc:
Đến quán mì Chú Tắc tại đường Kỳ Đồng, quận 3, thực khách sẽ được thấy chủ quán làm mì ngay tại chỗ. Công thức làm mì của quán được truyền từ đời này sang đời khác.
Thưởng thức mì vịt tiềm chú Tắc:
Tất cả đều được làm thủ công nên mì ngon và lạ hơn một vài quán ăn bình thường khác. Sợi mì vàng tươi, thơm mùi trứng gà là điểm cộng làm cho quán được nhiều người biết đến.
Ngoài loại mì đặc biệt Chú Tắc gồm một tô mì khô cùng miếng bánh tôm chiên… và tim, gan, cật, tôm được chần trong chén súp thì quán còn nổi tiếng với mì vịt tiềm, gà ác tiềm, óc heo tiềm, giá khoảng 75.000 đồng.