Món cháo môn là món ăn bình dị của vùng đất Thủ, xứ Bình Dương. Món cháo này phổ biến ở vùng nông thôn nhưng nay trở thành món ăn lạ lẫm bởi không nhiều người nấu ngon và không dễ tìm được món ăn bình dị này.
» Xem thêm: Bánh bèo bì ngon nức tiếng chỉ có ở Bình Dương
Nội dung chính
Cách nấu món cháo môn:
Cháo được nấu từ gạo rang hoặc gạo vo sạch. Củ môn được gọt sạch sẽ, cắt thành từng miếng nhỏ nấu chung với gạo cho mềm.
Khi cháo nhừ, củ môn đã vừa chín, người nấu hạ nhỏ lửa nhưng vẫn giữ cho nồi cháo sôi trên bếp.
Bẹ môn được lột vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn ngắn. Khi nồi cháo đang sôi thì cho bẹ môn vào và giữ cho lửa đều đều, không tắt. Đến khi bẹ môn mềm nhũn ra là ăn được.
Mách nhỏ:
Nếu chỉ nhúng bẹ môn vào cháo cho mềm thì không “khử” được ngứa của môn. Khi đó, bẹ môn chạm vào môi, ngứa không cách gì trị được.
Nếu đã lỡ nuốt vào thì cuống họng ngứa mãi không thôi. Vì thế, khi nấu, người ta rất cẩn thận và quan sát suốt thời gian nấu đến khi chắc chắn cọng môn đã chín mềm.
Thưởng thức món cháo môn Bình Dương:
Cháo môn được ăn chung với nhiều món kèm. Đơn giản nhất là ăn với thịt kho, cá kho như ăn cháo trắng, cháo đậu vậy. Cầu kỳ hơn thì nấu cháo môn với cá.
Nhưng ngon nhất là nấu cháo môn với lươn. Người ta chọn con lươn ngon khoảng một ký, làm sạch nhớt và rửa sạch. Để lươn ngọt thì không nên mổ bụng khi làm thịt, giữ nguyên máu trong cơ thể lươn khi nấu.
Lươn chín, thực khách chỉ cần lấy dao mổ bụng, lấy phần ruột bỏ và ăn thịt lưng. Cháo môn nấu với lươn là món ăn bổ dưỡng, tốt cho cơ thể người bệnh hoặc làm việc mệt mỏi, cần bồi bổ cho mau lại sức.
Chúng ta thưởng thức món cháo môn nấu với lươn trong sự khoan khoái. Nồi cháo mang ra thơm phức. Màu trắng của cháo pha chút màu xanh của bẹ môn, màu vàng của lươn cùng với hành tiêu, củ hành phi… tạo sự đa sắc cho món ăn và mùi thơm phưng phức, làm bao tử cồn cào. Từ những muỗng cháo đầu tiên, mồ hôi đã tuôn ra. Càng ăn càng thấy ngon và cảm giác sức khỏe được phục hồi.