Món bánh “phoóng phù” là món ngon nhất cho ngày đông giá lạnh trên miền sơn cước Xứ Lạng. Bánh được làm từ loại gạo tiếng Tày, Nùng gọi là “khảu nu mù” (gạo nếp mùa), loại gạo này vừa dẻo vừa thơm.
Đường phên là một nguyên liệu không thể thiếu khi làm “phoóng phù”, đường này được làm từ mía, có màu đỏ, ăn rất ngọt.
» Xem thêm: Món lợn quay xứ Lạng ngon nức tiếng của núi rừng Đông Bắc
Nội dung chính
Cách làm món bánh Phoóng Phù Lạng Sơn:
Ngày đông chí, từ sáng sớm tinh mơ khi gà còn chưa gáy các mẹ các chị đã dậy ngâm gạo nếp. Muốn bánh có màu đỏ, người ta ngâm gạo với hạt gấc. Để bánh dẻo mềm, người ta phải ngâm gạo với nước nóng để gạo uống nước no căng, hạt tròn mẩy.
Khi gạo đã nở, người ta mang đi xay. Xay xong, người ta cho bột vào túi vải treo lên cho chảy hết nước. Khi bột vừa chảy hết nước, các mẹ các chị liền lấy bột nặn thành bánh, từng chiếc tròn to bằng đầu ngón tay cái.
Thả bánh vào nồi nước đường thắng vừa đủ độ, bánh nhảy múa trong nồi nước đường. Để bánh thơm ngon hơn, người ta cho thêm mấy lát gừng. Gừng vừa làm bánh có vị cay cay, vừa giúp làm ấm cơ thể.
Thưởng thức bánh Phoóng Phù:
Khi bánh chín mở nắp nồi, mùi thơm của gừng và mía tỏa ngào ngạt. Múc bánh với nước đường vào bát, màu trắng của bánh quyện với màu nâu của đường óng lên sóng sánh.
Đưa bánh vào miệng, cắn nhẹ một cái, bột bánh mềm dai, vị ngọt của đường, vị cay cay của gừng tất cả hòa quyện lại trong từng chiếc bánh thơm lừng.
Bánh “phoóng phù” nóng hổi, ăn giữa những ngày đông giá buốt, ngồi bên bếp lửa, vừa ăn vừa ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng, hình ấy ấy mới đẹp làm sao.
Đã có người ví von rằng, “phoóng phù” là nỗi nhớ niềm thương, để mỗi khi gió lạnh về lòng người lại nao nao nhớ núi rừng quê hương.