Lạp xưởng tươi Long An là món ngon được người dân Long An làm để ăn quanh năm. Nổi tiếng ở Long An có lạp xưởng tươi Cần Giuộc và lạp xưởng tươi Cần Đước.
Mỗi vùng miền đều có cách chế biến khác nhau nhưng đều làm ra loại lạp xưởng tươi ngon không nơi nào có được. Rất nhiều du khách đi du lịch miền Tây có hành trình về Long An mua lạp xưởng tươi về làm quà biếu.
» Xem thêm: Lạp xưởng Yên Bái món đặc sản nổi tiếng của vùng cao
Nội dung chính
Lạp xưởng tươi – Đặc sản nức tiếng của Long An:
Đặc trưng của lạp xưởng Long An là có vị chua ngọt, cay cay. Cũng nhờ vị chua ngọt mà lạp xưởng ở đây trở nên hấp dẫn đối với khẩu vị nhiều người.
Nhiều người khó phân biệt được lạp xưởng tươi Long An với các loại lạp xưởng bình thường ngoài thị trường. Lạp xưởng Long An “đúng chuẩn” là khi còn ở dạng tươi phải khô mặt, lốm đốm một ít mỡ trắng, nhìn bên ngoài lạp xưởng có màu đỏ hơi thẫm tự nhiên.
Điểm đặc biệt sau khi chế biến, những hạt mỡ sẽ tan ngấm vào thịt và khi cắt lát sẽ không còn thấy mỡ, mặt thịt khô và dính với nhau, màu thịt ửng hồng trông khá bắt mắt.
Khi ăn lạp xưởng, thực khách có cảm giác hơi cứng nhưng càng nhai càng cảm thấy mềm và tiết ra vị ngọt của thịt hòa lẫn với mùi tiêu thơm lừng, cay nhẹ. Du khách nào đã từng thưởng thức lạp xưởng tươi Long An thường khen tấm tắc và có một thắc mắc nho nhỏ là làm sao sản xuất ra được một sản phẩm ngon như thế.
Cách chế biến Lạp xưởng Long An:
Đặc sản Long An – lạp xưởng tươi được nhiều du khách lựa chọn khi du lịch Long An. Du khách có thể đến nhà người dân hoặc các cơ sở để xem cách thức làm lạp xưởng tươi.
Ở mỗi vùng miền có cách thức làm lạp xưởng tương đối giống nhau, thêm chút đậm đà tùy theo khẩu vị từng nơi. Lạp xưởng tươi Long An ngon và độc đáo nhờ việc chăm chút kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu lẫn chế biến.
Nguyên liệu làm lạp xưởng tươi:
Nguyên liệu chính để làm nên món lạp xưởng tươi này là thịt heo. Muốn có lạp xưởng ngon, việc chọn thịt cũng đòi hỏi nghiêm túc không kém khi làm giò lụa.
Cách làm lạp xưởng tươi:
Thịt nạc đùi khi mua phải còn nóng, đem về lóc bỏ hết các phần gân, mỡ và bầy nhầy, sau đó xắt nhỏ cỡ đốt ngón tay. Hoặc có thể xay thịt ra nhưng không được xay quá nhuyễn, làm mất độ dai của sản phẩm.
Thịt sau khi xay hoặc cắt sẽ được trộn với mỡ xắt hạt lựu rồi ướp với hỗn hợp gồm đường, muối, tiêu, tỏi, bột ngọt, rượu…
Bí quyết để làm ra món lạp xưởng thơm ngon phụ thuộc nhiều vào khâu ướp thịt, có người khi ướp thịt còn cho thêm nhiều vị thuốc tạo mùi vào ngâm để giữ mùi vị lâu hơn.
Thịt sau khi ướp từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ sẽ được trộn thêm tiêu hột và dồn vào ruột. Để tạo ra được những “khuôn” lạp xưởng đều và đẹp, ruột được chọn phải là ruột của con heo chắc thịt và nặng ký.
Sau khi đã nhồi thịt vào ruột, đem phơi và thâm kim cho thoát hơi để thịt đọng lại rồi rửa qua nước ấm cho tan hết lớp mỡ còn sót lại. Dưới sự quang hợp của các tia tử ngoại, lạp xưởng sẽ lên men và có màu đỏ thẫm theo thời gian. Nếu trời nắng tốt thì chỉ cần đến 2 – 3 nắng có thể dùng được lạp xưởng.
Đến Long An mùa lạp xưởng, du khách sẽ nhìn thấy dọc các con đường trong làng treo lủng lẳng những xâu lạp xưởng to mập có màu sắc bắt mắt.
Thưởng thức lạp xưởng tươi:
Lạp xưởng tươi Long An mua về, chặt vài trái dừa xiêm lấy nước để luộc lạp xưởng. Cứ để lửa nhỏ luộc cho đến khi nước dừa tươi rút hết vào xâu lạp xưởng, để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Nếu muốn ăn thì mang lạp xưởng ra chiên hoặc nướng lại.
Du khách có thể bảo quản lạp xưởng bằng cách bỏ vào ngăn mát tủ lạnh hoặc treo trên bếp hoặc nơi nào thoáng.
Lạp xưởng ngoài để luộc còn được làm nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon như trứng chiên lạp xưởng, cuốn lạp xưởng chiên giòn, cơm chiên lạp xưởng, lạp xưởng chiên…