Cá chốt Gia Lai thuộc họ cá da trơn, thịt có màu vàng óng hoặc trắng, chỉ sống ở những khe đá tại khu vực nước chảy xiết, mực nước sâu từ 7 đến 7,5 m quanh lưu vực sông Ba và sông Ayun thuộc vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai.
» Xem thêm: Món phở khô Gia Lai – đậm chất phở phố núi
Nội dung chính
Cá chốt Gia Lai:
Do đặc tính thích bơi ngược dòng nên thịt cá chốt vừa chắc, vừa dai lại thơm. Đặc biệt là phần da rất dai, vị béo ngậy.Nhiều người cho rằng đây là loài cá chình sống ở các sông suối dọc miền Trung, nhưng cũng có người lại bảo là cá tra, cá basa của vùng Tây Nguyên vì hình dáng khá giống.
Đầu cũng bè, bẹt; có râu loe hoe; da trơn và đặc biệt là phần bụng cũng có mỡ vàng ươm. Chỉ có điều cá chốt nhỏ hơn, con lớn nhất cũng chỉ nặng tối đa một kg.
Món ăn từ cá chốt:
Thưởng thức món cá chốt ngon nhất là vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch. Lúc này Tây Nguyên vào mùa lũ, nước chảy xiết nên cá chốt thường bơi ngược dòng.
Món canh chua cá chốt:
Món canh chua cá chốt rất ngọt, người dân cho rằng không loài cá nào sánh kịp.
Món cá chốt kho tộ:
Để ăn với cơm, người ta thường kho tộ với mắm, tiêu (tiêu hạt xanh càng tốt), ớt, hành… Món này ăn với loại gạo dẻo của đồng bào J’rai bản địa thì chẳng còn chỗ nào để chê, nhất là trong những ngày giá rét.
Món cá chốt nướng:
Chế biến món này người ta làm sạch vây, râu, ruột… rồi bỏ lên bếp than nướng. Bếp than phải thật đỏ nhưng không được quá đượm để khỏi cháy nhanh làn da cá, phải để cá chín từ từ mới ngon.
Thưởng thức cá chốt nướng:
Ăn kèm với cá chốt nướng là các loại rau sống, rau gia vị, bánh tráng và đặc biệt phải có muối é (một loại muối gồm ớt hiểm còn xanh, lá é, muối hạt sống được giã chung) hoặc muối kiến cỏ (ớt hiểm xanh, muối hạt sống, con kiến vàng, hạt một loại cỏ thơm do người đồng bào tìm ra), còn không thì cần muối kiến.
Vị cay ngọt, thơm của muối, cộng với thịt cá nướng béo ngậy bên cạnh ly rượu nồng khiến nhiều thực khách cho rằng mình đang được thưởng thức món ăn “tiến vua” khi xưa.
Cách bắt cá chốt:
Để bắt được cá chốt, trước đây người ta chỉ thả câu, thả lưới, còn bây giờ dùng bình điện lạnh, xung điện gây hủy diệt trường.
Mùa sinh sản vào khoảng tháng 11-12 âm lịch, cá chốt nổi lên mặt nước để tìm chỗ đẻ trứng. Lúc này, quanh lưu vực sông Ba, người đánh bắt cá chốt nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, có người đánh được cả yến cá chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Những năm trở lại đây, nhiều công trình chặn dòng để làm thủy điện lớn nhỏ phía thượng nguồn sông Ba cũng làm cho loài cá này biến mất dần vì bị thay đổi môi trường sống tự nhiên.