Bánh lòng Kinh Môn là sản vật kết tinh từ những tinh hoa trời đất, sự cần cù, khéo léo của bàn tay con người. Bánh được làm chủ yếu vào Tết Nguyên đán dâng lên ông bà, tổ tiên.
Các bạn hãy cùng Thế Giới Ẩm Thực tìm hiểu đôi nét về món bánh lòng Kinh Môn Hải Dương qua bài viết sau nhé!
» Xem thêm: Bánh đậu xanh Hải Dương đặc sản nức tiếng gần xa
Nội dung chính
Bánh lòng Kinh Môn Hải Dương:
Món bánh lòng ấy từ lâu đã trở thành thứ bánh đặc sản truyền thống ở nơi đây. Thế nhưng ở ngay trên mảnh đất Kinh Môn, người ta không thể thấy thứ bánh này ở quán nước hay bất cứ phiên chợ nào mà chỉ thấy trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết đón xuân về.
Nguyên liệu làm món bánh lòng:
Bánh được làm từ những nguyên liệu vô cùng gần gũi đời thường trên mọi cánh đồng làng quê: gạo nếp cái hoa vàng, đường trắng, lạc, vừng, thịt ba chỉ quay kỹ, mứt, dừa khô, hương liệu.
Khâu chọn nguyên liệu được tiến hành rất kỹ lưỡng: gạo nếp phải chọn loại ngon nhất, hạt to đều, mới được phơi già, lạc phải là chọn những hạt già, mẩy; vừng chọn loại vừng đen là ngon nhất, hạt già và to… đây là khâu rất quan trọng để tạo được độ ngon đặc trưng cho bánh.
Cách làm món bánh lòng:
Làm bánh lòng khác với những loại bánh khác, bởi mọi công đoạn làm bánh đều rất cầu kỳ, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu trộn nguyên liệu, nấu nguyên liệu, đóng bánh vào khuôn, tất cả đều rất khó không chỉ cần kinh nghiệm mà còn phải có sự khéo léo thì mới làm ra những chiếc bánh vừa ngon lại vừa đẹp mắt.
Chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh:
Một số nguyên liệu cần phải sơ chế sẵn như gạo nếp cái hoa vàng được nổ thành bỏng rồi đập vụn càng nhỏ càng tốt, gừng được cạo và rửa sạch, đến công đoạn đóng khuôn, lạc được rang thơm, sẩy sạch vỏ, gừng giã nát đem nấu sôi cùng với nước đường, vừng rang chín cho đến khi có mùi thơm.
Theo kinh nghiệm, đường cô càng kỹ, bánh sau này sẽ càng chắc, dẻo và thơm hơn nhiều so với khi ta cô ít, thịt ba chỉ thái hình con rươi quay thật kỹ kỹ.
Sau khi đã xong hết thì cho tất cả mọi nguyên liệu: bỏng đập nát, dừa khô, lạc, vừng, thịt ba chỉ, mứt, hương liệu vào nồi đường cô đảo thật đều, nhanh, nhuyễn. Khâu này là khâu rất khó, vì nếu ta đổ chậm hoặc không nhanh tay thì sẽ không đảo được quánh hết tất cả, đường gặp bỏng nếp sẽ bị vón thành nhưng cục lớn, nên phải thật nhanh tay đảo lên.
Công đoạn ép bánh:
Khi nguyên liệu đã được đảo đều, đổ bánh vào khuôn để ép. Đến khâu ép bánh cũng là cả 1 vấn đề, mặc dù có khuôn và ép theo khuôn nhưng phải ép là sao cho thật vuông hết các góc của khuôn, nén sao cho thật chặt để khi bỏ khuôn ra thì bánh không bị chảy xệ xuống vì bánh vẫn còn rất nóng.
Thưởng thức món bánh lòng Kinh Môn:
Để làm được 1 chiếc bánh lòng rất khó, rất tốn thời gian và phải tập trung, nếu quên 1 công đoạn nào thì bánh sẽ mất vị. Đối với bánh lòng nếu càng nhiều gừng thì ăn càng thơm, càng cay, ăn càng ngon. Một chiếc bánh đạt chuẩn là bánh dùng dao cắt ngọt, ăn dai, ngọt thanh, cay và rất thơm. Có thể để bánh trong 1 thời gian dài.
Bánh “lòng” khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh cáy, chè lam,… bởi vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi Kinh Môn dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được
Nếu có dịp dừng chân trên mảnh đất Kinh Môn này thì bạn đừng quên ghé lại thưởng thức và mua về làm quà cho người thân của mình nhé!